Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS đã chính thức được ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UBQG) phát động từ năm 2008 và từ đó đến nay UBQG đã lấy ngày 10/11- 10/12 là Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Tháng hành động đã trở thành sự kiện quan trọng hàng năm thu hút sự quan tâm của không chỉ lãnh đạo mà cả người dân và huy động cả cộng đồng vào cuộc chiến với đại dịch HIV/AIDS.
Hiện nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn ra rất phức tạp, dịch Covid -19 cũng đã và đang có những tác động to lớn đến mọi mặt đời sống xã hội trên thế giới cũng như Việt Nam bao gồm cả chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Trước tình hình đó, Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động năm 2021 và hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (01/12) là “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch COVID-19” diễn ra từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2021.
Thời gian vừa qua, nước ta đã trải qua 4 làn sóng dịch COVID-19. Dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng trực tiếp đến chương trình phòng, chống HIV/AIDS quốc gia, do việc hạn chế đến những nơi công cộng, những nơi tập trung đông người đã làm cản trở người dân đến các cơ sở y tế. Việc thực hiện dãn cách xã hội cũng làm gián đoạn các hoạt động can thiệp giảm tác hại đối với người nhiễm HIV, không những khiến cho hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội mà còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi rút HIV cho người khác.
Hậu quả là số người nhiễm HIV ngay một gia tăng, theo báo cáo từ các địa phương, số người nhiễm HIV trên cả nước được phát hiện trong 9 tháng đầu năm 2021 có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Ở tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 15/12/2020 đến 14/11/2021, toàn tỉnh phát hiện 218 người nhiễm HIV mới; 67 người tử vong do AIDS; tỷ lệ hiện nhiễm HIV tại Quảng Ninh là 0,41%. Đến nay, dịch HIV/AIDS đã có ở 13/13 huyện, thị xã, thành phố, 168/177 xã, phường, thị trấn trong tỉnh; 5.667 người nhiễm hiện còn sống và xác định đúng địa chỉ có mặt trên địa bàn tỉnh; 5.704 người tử vong do HIV/AIDS.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) người nhiễm HIV khi mắc Covid-19 có nguy cơ bệnh chuyển nặng hoặc tử vong cao hơn. Một báo cáo của WHO dựa trên dữ liệu giám sát lâm sàng từ 37 quốc gia về nguy cơ chuyển nặng khi mắc Covid-19 từ những người nhiễm HIV nhập viện cho thấy nguy cơ phát triển Covid-19 nghiêm trọng hoặc tử vong ở nguời có HIV cao hơn 30% so với những người không bị nhiễm HIV, gần một phần tư (23,1%) tổng sổ người nhiễm HIV nhập viện do Covid-19 đã tử vong.
Chính vì vậy bản thân người nhiễm HIV cần phải cảnh giác cao hơn so với người bình thường, để chủ động đề phòng dịch bệnh COVID-19 cho bản thân mình và phòng lây nhiễm HIV cho những người xung quanh, người nhiễm HIV cần chủ động đăng ký tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 càng sớm càng tốt. Đồng thời áp dụng các biện pháp can thiệp để giúp sống khỏe nhất có thể như: tiếp cận sớm và điều trị bằng thuốc ARV sớm, tuân thủ điều trị; ngăn ngừa và quản lý các bệnh lý tiềm ẩn như tiểu đường, tăng huyết áp.
Nhằm ứng phó kịp thời với các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 tới chương trình phòng, chống HIV/AIDS, Chính phủ, Bộ Y tế cũng như các địa phương đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm tăng cường phòng, chống HIV trong bối cảnh dịch COVID-19 như xây dựng và ban hành kịp thời các hướng dẫn đáp ứng khẩn cấp để duy trì tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như: hướng dẫn tiếp cận với khách hàng qua các ứng dụng online; hướng dẫn khách hàng tự xét nghiệm HIV; hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; đáp ứng khẩn cấp trong lĩnh vực điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bao gồm cả cấp thuốc cho người bệnh mang về và điều trị ARV (cấp thuốc nhiều tháng cho người bệnh)...Dự báo dịch COVID-19 có thể còn kéo dài và chúng ta có thể sẽ sống chung với dịch COVID-19 trong tình hình mới, do vậy song song với phòng, chống dịch COVID-19, các địa phương cần tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID-19.
Năm nay, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021, Việt Nam chọn chủ đề “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịchCOVID-19” nhằm tích cực duy trì các hoạt động phòng chống HIV/AIDS và chủ động ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường.
Tích cực phòng chống HIV/AIDS, mỗi tổ chức, các nhân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình vì sức khỏe cộng đồng, tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS của địa phương. Kịp thời phát hiện sớm phát hiện các trường hợp nhiễm HIV mới và đảm bảo 100% trường hợp nhiễm HIV đều được điều trị ARV cũng như các hoạt động can thiệp giảm tác hại khác để từng bước hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Thực hiện phòng chống HIV/AIDS là trách nhiệm của mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội, mỗi người dân và bạn trẻ hãy tự bảo vệ mình trước đại dịch HIV/AIDS vì sự phát triển kinh tế, văn hóa, trật tự an toàn xã hội của đất nước, của tỉnh Quảng Ninh.